Sunday, February 8, 2009

Thời của Web siêu nhỏ

Số người dùng Internet tăng vọt tại VN, cộng với xu hướng tiếp thị trực tuyến để tiết giảm chi phí trong thời khó khăn làm nhiều doanh nghiệp vội vã nhảy vào môi trường tiếp thị trực tuyến bằng những trang web siêu nhỏ (microsite)…

Đủ đường lợi…

Làm việc 24 giờ mỗi ngày, bảy ngày một tuần, tiếp cận khách hàng ở bất kỳ địa điểm nào - đó là công cụ trong mơ của bất kỳ doanh nghiệp nào. Và nó chính là những website được thiết kế song song với một chương trình marketing mà thuật ngữ chuyên môn gọi là microsite, trang web siêu nhỏ. Chính vì thế, trong lúc mọi người đóng cửa nghỉ tết thì chương trình truyền hình thực tế 72 giờ thách thức sức bền của một hãng ĐTDĐ vẫn cứ tà tà tăng lượng thành viên sau khi đã cấp tập xây dựng và quảng bá cho website của mình.

“Phản xạ của hầu hết bạn trẻ trên mạng hiện nay là nhấp chuột vào một đường link để xem thử cho biết khi chợt nhìn thấy nó và được bảo chứng là không có virus. Khỏi tốn công lẫn tốn tiền giải thích dài dòng và năn nỉ khách hàng nghe mình giới thiệu, microsite tự động làm hết các phần việc này” - Nguyễn Minh Anh, cựu sinh viên khóa truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí thế giới (IIJ - Đức), cho biết.

Các chuyên gia tiếp thị nhanh chóng phát hiện hàng loạt ưu điểm khác của công cụ này: tương tác rất nhanh với người sử dụng thông qua hệ thống diễn đàn, ứng dụng được đủ mọi công nghệ như video clip, âm nhạc, hình ảnh, các trò chơi… cũng như đo lường được phản hồi của người dùng với chương trình của mình.

Ngoài ra, microsite cũng có độ tập trung rất cao khi chuyên tâm nhấn mạnh một chương trình nhất định, từ việc dễ dàng truy cập bằng các công cụ tìm kiếm đến thông tin tập trung, thiết kế đồng bộ cũng như chuyên sâu cho một đối tượng với quan tâm xác định. Những lợi ích này đã khiến chuyên gia tiếp thị Bill Hanekamp phải thốt lên: “Web siêu nhỏ đang trở thành một ý tưởng siêu lớn”.

Không phải là tấm bảng quảng cáo...

Vì đơn giản là tấm biển quảng cáo thì chỉ treo lên một thời gian, hết hạn hợp đồng hoặc hết kế hoạch quảng cáo thì hạ xuống, cất vào kho. Còn website đã lỡ “sinh” ra rồi, có người truy cập, có thành viên thì phải tìm cách để nó phát triển chứ không thể muốn mở là mở, muốn đóng là đóng.

Thế nhưng hàng loạt doanh nghiệp đang ứng xử với website y chang như tấm bảng quảng cáo: ồ ạt mở web, ầm ĩ truyền thông để hút thành viên rồi nhanh chóng… xóa sổ nó, mặc kệ những thành viên đã trót dại đăng ký và xem trang web ấy như “một cõi đi về” trong một thời gian ngắn ngủi.

Việt Nga, một chuyên gia tiếp thị khá nổi tiếng trên mạng, phân tích việc này trên blog của mình: “Có rất nhiều thương hiệu khi tái tung hay tung một dòng sản phẩm mới nào đó đều mở một trang web dành riêng cho chiến dịch này, và sau khi chiến dịch kết thúc, trang đó cũng… từ từ chết theo. Để xây dựng một website có lượng truy cập cao, có thành viên thường xuyên lui tới, để xây dựng được một cộng đồng theo đúng nghĩa của nó thì cực kỳ tốn thời gian và công sức. Thế mà…”.

Quả thật, nếu cách đây không lâu một thương hiệu mỹ phẩm liên tục kêu gọi mọi người gửi ảnh và truy cập để xem kỷ lục 10.000 bức ảnh” của mình, thì nay trang web của chương trình buồn tẻ với những lỗi kỹ thuật khó lòng chấp nhận và đang dần dần chìm vào quên lãng vì chẳng còn ai ngó ngàng đến nữa.

Nhưng hãng này cũng không đến nỗi phũ phàng khi thản nhiên trưng tấm bảng: “Website ngưng hoạt động vì chưa thanh toán tiền tên miền…”. Có khi vào web của doanh nghiệp bị dẫn đến một trang cực kỳ… bậy bạ.

Rõ ràng, như blogger Việt Nga phân tích: “Những nhà tiếp thị không nên bóp chết nó khi chiến dịch kết thúc, mà phải tìm cách duy trì và nâng cấp microsite của mình lên, tìm cách biến những thành viên đã gắn bó với nó để họ trở thành những người quảng cáo truyền miệng cho mình. Củng cố một khách hàng cũ luôn rẻ hơn tìm kiếm một khách hàng mới cơ mà...”.

Tiếp cận một trào lưu mới thấy thú vị và nhiều người cũng thấy… lo lo. Nói như bạn Trần Ngọc Hạnh, người từng đăng ký làm thành viên của sơ sơ 15 microsite, chia sẻ trên blog của mình: “Nhiều lúc nổi điên khi truy cập không được trang mình ưa thích, thế là thề sẽ không thèm sử dụng sản phẩm mà mình gọi là vắt chanh bỏ vỏ đó nữa”.

(Theo TuoiTre)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân

Thông Tin Chứng Khoán